Phong cách Anh Đức

Văn phong của Anh Đức được đánh giá là điềm đạm và thanh thoát. Từ những truyện ngắn đầu tay của ông, nhà văn Đoàn Giỏi từng dự đoán ông sẽ còn tiến xa trong văn nghiệp.

Với đề tài chính của các nhà văn thời bấy giờ: cuộc Chiến tranh Việt Nam, Anh Đức được đánh giá là không thi vị hóa cuộc chiến mà tìm ra nét đẹp của con người trong hoàn cảnh tàn bạo nhất của chiến tranh. Ông cũng ca ngợi tình người, sự anh dũng của lực lượng kháng chiến ở miền Nam Việt Nam.

Về truyện ngắn, ông được đánh giá là tuy không có những cốt truyện gay cấn, đặc sắc, nhưng cao tay trong cách dựng và sử dụng chữ, chi tiết đắt, tình huống hấp dẫn. Về bút ký, Anh Đức không bao giờ kể chuyện chay, những lời đại ngôn, mà bằng những chi tiết. Ngôn ngữ của ông được chọn lọc, khi sử dụng phương ngữ thường dùng những từ nêu bật nét đặc sắc của vùng đất. Trong Bức thư Cà Mau, những đoạn viết về cách đốt than, những chi tiết như người thợ đốt lò ngửi mùi xem than đã chín chưa hay vốc bụng nước U Minh đỏ ngầu như rượu vang... đều được đánh giá rất cao [1].

Về mặt tiểu thuyết, nhắc tới Anh Đức, nhiều người nghĩ tới tác phẩm Hòn Đất. Hòn Đất được coi là một trong những tiểu thuyết viết về chiến tranh tiêu biểu thời bấy giờ với những nhân vật rất sống động sau này được lấy làm kịch bản cho phim truyện Chị Sứ.

Giai đoạn sau 1975, Anh Đức viết không nhiều và cũng cố gắng tìm tòi những cách thể hiện mới mẻ, phù hợp hơn, nhưng không thực sự thành công [1].

Các tác phẩm Giấc mơ ông lão vườn chim, Hòn đất (trích đoạn) và Bức thư Cà Mau (trích đoạn) của ông từng được đưa vào giảng dạy ở chương trình văn học phổ thông.